Lộn tùng phèo

Thi thoảng đọc được thứ gì đấy, ở trong cuốn sách nào đấy, và tại thời điểm đó nó giống như một cú đá mạnh. Kiểu như này, thời điểm tôi đọc lý thuyết GD:

“Người lớn chúng ta phá hoại phần lớn khối năng lực sáng tạo và trí tuệ của trẻ con bằng những thứ ta làm với bọn trẻ, bắt bọn trẻ làm. Trên hết, ta phá hủy năng lực này bằng cách làm trẻ con lo sợ, sợ không làm những điều người khác mong muốn, sợ không làm vui lòng người khác, sợ phạm sai lầm, sợ thất bại, sợ sai. Theo đó ta làm trẻ sợ phải đánh cược, sợ thử nghiệm, sợ trải nghiệm cái khó và cái chưa biết… Chúng ta phá hủy tình yêu học tập vô tư ở trẻ, vốn dĩ rất mạnh khi trẻ còn nhỏ, bằng cách khuyến khích và dụ dỗ chúng làm việc vì những phần thưởng vụn vặt và hèn mọn – như là sao vàng, bảng điểm toàn A, bảng danh dự, rồi thì danh sách sinh viên ưu tú,… – nói ngắn gọn là những thứ biểu trưng cho sự thỏa mãn ti tiện rằng mình hơn người khác. Chúng ta làm cho trẻ con thấy rằng mục tiêu và đích đến cuối cùng của mọi việc các em làm ở trường là thi lấy điểm cao, hoặc để gây ấn tượng với ai đó bằng mớ kiến thức trông có vẻ như mình am hiểu “ (J.H- Trẻ em khó học thế nào, NXB ĐN năm 2022, tr.381-383)

Những điều ta đọc chẳng có nghĩa lý gì, không mang tí tinh thần lật đổ nào nếu không suy tư xem điều các lý thuyết gia nói liệu có đúng hay không. Không phải mọi điều họ nói đều đúng. Nhưng nếu không phải họ, thì khó lòng có ai dám nói thẳng tất cả những điều mà nếu để yên thì dường như ai nấy đều dễ chịu hơn. Cái dễ chịu của sự dễ dãi, lười nghĩ, lười phản biện và lười truy tìm sự thật. Nhưng sự thật không ngủ yên, chỉ có những người ảo tưởng rằng mình có thể sống bên ngoài sự thật.

Nguồn ảnh: The Marginalian

Tuyết.